Mittwoch, 11. November 2020

TẬN THU THUẾ 3,3 TRIỆU HÀNG QUÁN VỈA HÈ


Ngày 31 tháng Mười, 2019 thảo luận báo cáo kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và kế hoạch năm 2020 là nghị trình làm việc vào ngày thứ 2 của Quốc hội. Trong số ý kiến được đưa ra tại nghị trường, đề xuất của đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho thấy rõ tình trạng cạn kiệt ngân sách nhà nước hiện nay vì mọi nguồn huy động tiền trong dân đều được tính toán và dùng luật để thâu tóm.

Đề xuất của ông Thân giúp nhà nước thu thêm khoảng ngân sách 39.600 tỷ đồng từ các hộ bán hàng nước, thuốc lá vỉa hè để đóng góp vào kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020. Kế hoạch tận thu này sẽ được đưa vào Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Thân cho biết hiện nay tồn tại 5 triệu hộ kinh doanh nhưng theo thống kê chỉ có 1,7 triệu hộ đóng thuế môn bài. Như thế theo tính toán của ông ngân sách nhà nước để lọt nguồn thu rất lớn khi 3,3 triệu hộ còn lại không đóng thuế.
Ông Thân làm một cuộc khảo sát với cô bán hàng nước, thuốc lá và được biết quầy hàng của cô đóng 1,5 triệu đồng/tháng. Ông nghị Thân tính trung bình mỗi hộ đóng 1 triệu nhân với 12 tháng và nhân với 3,3 triệu hộ thì được 39.600 tỷ đồng (1,7 tỷ USD) trong một năm.
Nguồn thu này theo ông Thân sẽ thu được khi ĐBQH tính cả chuyện luật hóa kinh doanh trà đá, vỉa hè để đưa các hộ kinh doanh cá thể này tham gia được cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng là thực hiện được Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và phấn đấu đến 2020 là 1 triệu doanh nghiệp. Với cơ chế này kiểu kinh doanh của người nghèo như bán trà đá, thuốc lá vỉa hè không thể thoát lưới thuế khóa.
Mặc dầu tung ra các báo cáo đầy lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế với GDP lên đến 7% nhà cầm quyền vẫn dự kiến vay 460.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 20 tỷ USD để đáo nợ và giải quyết việc bội chi ngân sách. Sự mâu thuẫn trong báo cáo tình trạng kinh tế và việc lên kế hoạch tận thu từ hàng nước vỉa hè cho thấy viễn ảnh ảm đạm của ngân sách nhà nước.
Các hộ bán hàng nước, thuốc lá là những hộ nghèo. Họ tự bươn chãi để sống. Nếu nhà nước không có chính sách nâng đỡ cuộc sống cho họ thì thôi chớ sao còn tính toán vét cạn túi tiền của họ?
Nếu muốn gia tăng ngân sách nhà nước nhà cầm quyền nên giải quyết vấn nạn tham nhũng và bòn rút của công của quan chức. Tiền trong quan nhiều hơn trong dân.
Nạn tham nhũng và quản lý kém khiến hàng loạt đại công ty quốc doanh năm nào cũng thua lỗ hàng ngàn, chục ngàn tỉ đồng. Thâm hụt ngân sách chủ yếu là đến từ khâu này.
Ngọc Thu
02/11/2019

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen