Dienstag, 22. Februar 2022

VÌ SAO BỎ CẤP PHÉP NHỮNG CA KHÚC TRƯỚC 1975?


 

Vào ngày đầu tiên sau tết nguyên đán 2019, báo chí nhà nước đưa tin “Chính phủ đã đồng ý bỏ quy định cấp phép ca khúc trước 1975 và chỉ đưa ra quy định cấm những bài hát có nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ cá nhân hay bôi nhọ tổ chức, đi ngược lại lợi ích quần chúng”
Quy định cấp phép ca khúc trước 1975 được dỡ bỏ thì âu cũng là một niềm vui cho các nhà sản xuất phim ảnh, băng đĩa vì quy trình xin và cấp giấy phép một bản nhạc thực sự quá nhiêu khê, dài dòng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc kinh doanh của họ.
Ngoài ra việc cấp phép ca khúc trước 1975 cũng phát sinh đầy bức xúc về cách ‘làm tiền’ lộ liễu và trơ trẽn của cơ quan có thẩm quyền duyệt xét và cấp phép. Nay những ca khúc trước 1975 không còn cần được cấp phép thì rõ ràng là một số quan chức đã mất đi nguồn thu...
Một thí dụ điển hình để cho thấy cách xét duyệt của Cục Nghệ thuật biểu diễn:
Bài Ly Rượu Mừng của Phạm Đình Chương sau 1975 mãi đến 2016 mới được cấp phép phát hành vì lý do chính yếu tố trong bài có đoạn nói về người lính.
Trong bài Ly Rượu Mừng có những câu:
Chúc người binh sĩ lên đàng,
Chiến đấu công thành, sáng cuộc đời lành
Mừng người vì nước quên thân mình…
Cục đặt câu hỏi “Người lính là người lính nào?
Mãi đến sau này người ta tìm được tư liệu cho thấy ông Phạm Đình Chương sáng tác bài “Ly Rượu Mừng" vào khoảng thời gian 1951-1953, nghĩa là ông viết về người lính chống Pháp. Vì thế Cục mới cấp phép cho ca khúc này.
Thật ra những cấm đoán của nhà nước cộng sản chỉ có hiệu lực trên mặt chính thống, nghĩa là trên các sân khấu, trên các phương tiện truyền thông. Còn trong quảng đại quần chúng như trong tiệm quán, trên đường phố, tại nơi dân cư thì việc cấm đoán những ca khúc trước 1975 là vô phương.
Những ca khúc trước 75 là kho tàng âm nhạc của miền Nam cực kỳ phong phú và nhân văn, ăn sâu vào tâm thức quảng đại quần chúng… Vì thế nó vẫn sống mãi trong tim óc người dân Việt.
Và đó có lẽ là lý do khiến nhà nước bỏ việc cấp phép ca khúc trước năm 1975:
Quản không được thì cấm tuy nhiên khi cấm không được thì phải bỏ thôi. Đó là một việc phải đến chứ không là ban phát ân huệ.
Ngọc Thu

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen