Sonntag, 2. Mai 2021

HỢP TÁC XÃ - KINH TẾ VIỆT NAM CÓ NÊN LÙI LẠI 40 NĂM?


Hôm 27 Tháng Ba, 2020, báo Thanh Niên loan tải chỉ thị mới nhất của ông Trần Quốc Vượng, thường trực Ban Bí Thư về mô hình phát triển của nền kinh tế VN trong tương lai. Tại đó xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ lao đao sau đại dịch COVID-19, việc ông Vượng đưa ra chỉ thị về “xu thế kinh tế hợp tác xã” càng làm người ta thất kinh hồn vía.

Ông Trần Quốc Vượng có thể được xem là nhân vật sáng giá nhất cho ghế tổng bí thư CSVN kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng ở đại hội đảng XIII. Điều này người ta có thể nhận biết được rất rõ khi theo dõi các hình ảnh được truyền thông nhà nước đăng tải trong thời gian qua, người ta thấy ông Vượng luôn ở vị trí ngồi hoặc đứng cạnh ông Trọng, dù ông Vượng chưa phải là lãnh đạo “tứ trụ”. Vì thế lời nói của ông Vượng cũng rất có trọng lượng trong giai đoạn hiện nay.
Mô hình kinh tế kinh tế tập thể, hợp tác xã đã được áp dụng trên cả nước sau ngày 2 miền Nam Bắc quy về một mối và trước đó ở miền Bắc XHCN. Đó là mô hình cho phép nhà nước kiểm soát toàn diện, người dân làm thuê và được trả công qua cách đánh giá thang điểm. Mô hình này đã thất bại khiến nền kinh tế VN trở nên lụn bại, đất nước trở nên nghèo đói. Mãi đến 1986 VN mở cửa giao thương với thế giới bên ngoài, khai tử mô hình hợp tác xã và nới lõng kiểm soát kinh tế bằng việc cho người dân tự do buôn bán thì nền kinh tế VN mới dần khoát khỏi cơn ngặt nghèo và phát triển tới hôm nay.
Thế nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia nước ngoài kinh tế VN hiện nay vẫn là một nền kinh tế hoang dã vì là kinh tế thị trường nhưng định hướng XHCN, nơi mà quốc doanh vẫn giữ vai trò chủ đạo.
Theo Luật Sư Lê Công Định từ Sài Gòn, phát ngôn của ông Vượng cho thấy giới lãnh đạo đảng cầm quyền “vẫn đang điều hành nền kinh tế hiện đại bằng tư duy của các lãnh tụ Cộng Sản thuộc thế hệ hơn 100 năm trước.”
Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao đảng CSVN muốn đưa đất nước trở về thời kỳ nghèo khổ?
Nhằm duy trì quyền ban phát và kiểm soát toàn diện xã hội thì chỉ có mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã mới là mô hình ưu thế nhất. Phải chăng giới lãnh đạo CSVN đặt sự lãnh đạo toàn diện của đảng lên trên sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế nước nhà và sự hạnh phúc, ấm no của nhân dân?
Để có thể hình dung mô hình kinh tế hợp tác xã vận hành như thế nào, xin mời các bạn đọc câu chuyện "Tiệm Phở" của gia đình xướng ngôn viên của đài RFA, cô Diễm Thi:
BỐ MẸ TÔI, "HAI NHÂN VIÊN CAO CẤP" CỦA TIỆM PHỞ
Năm 1984 Bố tôi học được nghề phở từ một người bạn. Thế là gia đình tôi có một nghề mới: Nghề bán phở. Nhưng thời điểm đó không được tự mở tiệm mà phải vào Hợp Tác Xã (HTX). Tiệm phở ở đường Nguyễn Trãi, đoạn giữa Trần Bình Trọng và Nguyễn Biểu. Tấm bảng to tổ bố: CỬA HÀNG ĂN UỐNG
Mỗi buổi sáng có bà chủ nhiệm HTX đến chắp tay sau đít đi vòng vòng kiểm tra coi gia đình tôi chuẩn bị hàng quán như thế nào, cứ như giám khảo chấm thi nấu ăn. Khi bắt đầu có khách, bà này ngồi bàn ghi phiếu từng tô phở một, không trực tiếp thu tiền. Gia đình tôi nhận phiếu, làm phở, bưng ra cho khách, thu tiền. Đến cuối buổi bà đếm phiếu và gia đình tôi phải nộp đủ số tiền tương ứng. Thiếu sẽ phải đền.
Sau khi trừ tiền vốn, tiền lương cho gia đình tôi, số còn lại phải nộp vô HTX. Bố tôi cứ nói vui, đây là “Công Ty Hợp Doanh, viết tắt là CTHD, tức Của Tôi Họ Dành”. Đó là lý do tiệm phở đắt như tôm tươi nhưng cả nhà tôi chỉ đủ ăn.
Tóm lại: Vốn của mình, nghề của mình, khách của mình, công lao động cũng của mình mà cả nhà mình đi làm thuê lãnh lương theo mức HTX quy định.
Ngọc Thu
2/05/2020
FB Việt Tân

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen