Samstag, 6. März 2021

ĐẠI SỨ MYANMAR TẠI LHQ MẤT CHỨC VÌ ỦNG HỘ DÂN BIỂU TÌNH


 

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Sáu, 26 Tháng Hai, 2021 Kyaw Moe Tun, Đại sứ Myanmar kêu gọi quốc tế giúp chấm dứt cuộc đảo chính quân sự và trao lại quyền lực cho chính phủ được dân bầu ra.
Bài phát biểu của ông Kyaw Moe Tun được dư luận thế giới cũng như đặc phái viên mới của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bà Linda Thomas-Greenfield đón nhận và ca ngợi sự can đảm của ông Kyaw Moe Tun. Hơn thế, ông Kyaw Moe Tun giơ ba ngón tay lên, một biểu tượng chống lại chế độ độc tài được người biểu tình chống đảo chính trong nước áp dụng.
Ông Kyaw Moe Tun phải trả cái giá đã lường trước cho những gì ông làm tại Đại hội đồng LHQ hôm thứ Sáu vừa rồi: Ông bị chính quyền quân phiệt Myanmar sa thải khỏi chức vụ Đại sứ Myanmar tại LHQ.
Xin được nhắc lại, các nhà lãnh đạo quân đội, đứng đầu là Tướng Min Aung Hlaing biện minh cho việc chiếm đoạt quyền lực bằng cáo buộc rằng có gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 và vì thế đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã chiếm được phần lớn ghế trong quốc hội. Bên phe quân đội đã bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và một số người trong nội các của bà. Hiện giờ vẫn chưa ai rõ về tông tích của bà Suu Kyi.
Để phản đối hành vi giết chết nền dân chủ non trẻ của đất nước, người dân từ nhiều tỉnh thành đã xuống đường và ngày càng đông đảo mặc dầu bị đàn áp dã man từ phe quân đội.
Tình hình ngày càng căng thẳng, hàng chục nhà báo bị giam giữ. Cảnh sát khai triển vòi rồng, hơi cay và cho bắn súng thật chống lại người biểu tình. Một phụ nữ bị bắn trong một cuộc biểu tình ở thành phố trung tâm Monwya, gần Mandalay. Hình ảnh và danh tính của cô được cho là đã lan truyền trên mạng xã hội nhưng chưa được chứng thực.
Theo BBC, nhóm giám sát của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị cho biết, hơn 770 người đã bị bắt và kết án kể từ khi cuộc đảo chính bắt đầu.
Mặc cho nhiều nước Tây phương phản đối cuộc đảo chánh, Trung Quốc vẫn chặn một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ với lý do “không can thiệp vào công việc nội bộ” của Myanmar và cho đó là một cuộc „cải tổ nội các“.
Nếu đúng như bên phe quân đội cáo buộc, có gian lận trong cuộc bầu cử vào tháng Mười Một 2020 vừa rồi thì việc đòi lại công bằng có nhiều cách, đâu cần phải dùng đến bạo lực để đẩy cuộc dân chủ hóa của Myanmar lùi về số không. Phe quân đội có thể mời LHQ vào điều tra và bước cuối cùng là tổ chức lại cuộc bầu cử dưới sự giám sát của quốc tế...Thế nhưng phe quân đội đã không làm như thế nên đưa đến tình thế ngày hôm nay.
Ngọc Thu
20/02/2021

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen