Sonntag, 7. Februar 2021

VIỆT NAM ĐÃ VƯỚNG NHIỀU BẪY NỢ CỦA TRUNG QUỐC


 



Có lẽ hiện nay không còn ai có thể tin rằng Trung Quốc là một đất nước trỗi dậy trong hòa bình. Với sáng kiến "Một vành đai và Một con đường" được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố vào năm 2013, Trung Quốc tạo sự ảnh hưởng trên phương diện chính trị và kinh tế trên toàn cầu nhằm cạnh tranh với Hoa Kỳ vốn là nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Để thực hiện mục tiêu chiến lược này Trung theo đuổi chính sách “ngoại giao bẫy nợ".
Cách thức thực hiện chính sách “ngoại giao bẫy nợ” này được Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Rex Tillerson tóm tắt: “Khuyến khích sử dụng các hợp đồng không rõ ràng, thực hiện các khoản vay mang tính chất cưỡng đoạt, đi đến các thỏa thuận bằng các phương cách tham nhũng, từ đó đẩy các quốc gia vay mượn lún sâu vào nợ nần. Cuối cùng họ phải bán rẻ chủ quyền của chính họ.
Chính sách “ngoại giao bẫy nợ” này Trung Quốc thực hiện khá thành công đối với những nước phát triển và đang phát triển, nơi độc tài ngự trị và tham nhũng tràn lan. Trường hợp được báo chí gần đây thường nhắc đến là Sri Lanka. Sri Lanka vướng phải bẫy nợ phải bán rẻ chủ quyền cho Trung Quốc bằng việc cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota với thời hạn 99 năm, sau khi không trả nổi món nợ khổng lồ từ Trung Quốc.
Thế Việt Nam có thể vướng vào “bẫy nợ” của Trung Quốc không?
Nếu quan sát những dự án vay vốn từ Trung Quốc và có TQ tham gia thầu thì quả thật Việt Nam khó thoát khỏi bàn tay lông lá của anh bạn vàng xấu bụng:
1) Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông:
Tuyến đường sắt này thực hiện từ khoản vay 250 triệu USD từ Trung Quốc, do Công ty trách nhiệm hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc làm tổng thầu thi công. Dự án này khởi công từ năm 2011 và đến nay vẫn chưa thể vận hành, nhưng đã đến hạn phải trả tiền lãi cho Ngân hàng Trung Quốc khoảng 650 tỉ đồng/ năm.
2) Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải phòng:
Các nhà nghiên cứu cho rằng, tuyến đường sắt này thực sự không đáp ứng nhu cầu đi lại cùa người dân mà chiếm vốn đầu tư ban đầu lên tới khoảng 100.000 tỉ đồng tương đương 4,34 tỷ đô la là quá phung phí. Thế có khác gì CSVN vay Trung Quốc 4,34 tỷ đô để làm đường sắt cho Trung Quốc dùng. Rõ ràng đảng CSVN đã đem đất nước này phục vụ cho Trung Quốc.
3) Nhà máy đạm Ninh Bình:
Nhà máy Đạm Ninh Bình đang phải gồng mình trả khoản nợ 5.000 tỷ đồng với lãi suất 4%/năm cho Ngân hàng Eximbank Trung Quốc. Và khi vay tiền của Eximbank Trung Quốc điều kiện đi kèm theo là phải sử dụng nhà thầu Trung Quốc, dùng máy móc, thiết bị thay thế của Trung Quốc...Nhà thầu TQ thì luôn đội vốn, chậm tiến độ, còn thiết bị từ TQ thì luôn lỗi thời.
Còn nhiều dự án tương tự không kể xiết.
Theo quan sát của các chuyên gia, tất cả các dự án sai phạm lớn của Việt Nam đều có bóng dáng của Trung Quốc. TQ lợi dụng môi trường độc tài, tham nhũng ở VN triển khai chính sách “ngoại giao bẫy nợ”. TQ cho vay với hợp đồng không rõ ràng, lãi suất cao, các điều kiện kèm theo như sử dụng nguyên liệu và bên thi công từ Trung Quốc… Và kết cuộc các dự án không đi vào vận hành hay vận hành với hiệu quả kém cỏi, không thể lấy lại vốn. Thế là nợ chồng nợ và từng phần lãnh thổ cuối cùng là phương tiện để thế chấp.
Để tránh việc VN trở thành Sri Lanka thứ nhì, VN phải công khai, minh bạch các thông tin, tôn trọng sự phản biện từ các chuyên gia. Việc này có khả thi không đối với chế độ độc tài hiện nay tại VN?
Ngọc Thu
18/01/2020

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen